Góc nhìn

Thứ 3 ngày 01 tháng 09 năm 2020Lượt xem: 12822

Câu chuyện món bánh mỳ pate.

 

Câu chuyện đáng chú ý trong tuần này: Ngày 29/8, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn cấp về món pate M.C gây ngộ độc C. botulinum cho nhiều người trên cả nước. Đến nay có ít nhất 10 bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc C. botulinum sau khi ăn pate M.C, trong đó 7 người phải thở máy.

C. botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, có thể khiến người nhiễm bị liệt cơ, rối loạn nhịp thở hoặc tử vong chỉ với 0,004 μg/kg. "Nghi án" C. botulinum gây chết người nổi tiếng nhất gần đây là sinh viên Mỹ Otto Warmbie, bị liệt khi đang ở Triều Tiên và sau đó qua đời tại quê nhà.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt rõ rệt. Sau đó, người bệnh thường có biểu hiện mờ mắt, khô miệng, khó nuốt, khó nói. Một vài trường hợp gặp tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và trướng bụng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành suy yếu cơ, cánh tay. Tiếp đến, các cơ quan hô hấp và vùng thân dưới bị ảnh hưởng. Người bị ngộ độc C. botulinum không gây sốt hay mất ý thức. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ (phạm vi tối thiểu và tối đa là từ 4 giờ đến 8 ngày) sau khi tiếp xúc thực phẩm nhiễm khuẩn. Tỷ lệ ngộ độc thấp, song nguy cơ tử vong sau khi mắc là khá cao nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp. Tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm độc là 5-10%.

Để chẩn đoán ngộ độc C. botulinum, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu suy yếu hoặc liệt cơ như sụp mí mắt, nói thều thào. Bệnh nhân cũng được yêu cầu liệt kê các loại thực phẩm đã ăn trong khoảng một tuần. Ở các ca ngộ độc trẻ sơ sinh, thường là do tiếp xúc với chất độc sau khi ăn mật ong, biểu hiện táo bón và chậm chạp.

Phân tích máu, phân hoặc dịch nôn cũng có thể giúp chẩn đoán ngộ độc C. botulinum. Song các xét nghiệm này thường mất nhiều ngày nên không được ưu tiên như khám lâm sàng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định đo điện tâm đồ, chụp cộng hưởng từ để kiểm tra dấu hiệu đột quỵ, chọc dò tuỷ sống giúp phân biệt với hội chứng có biểu hiện tương tự là Guillain-Barre.

Đối với các ca ngộ độc C. botulinum, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách giải phóng hệ tiêu hoá, để bệnh nhân nôn hoặc tiểu tiện nhiều lần. Trong trường hợp ngộ độc từ vết thương hở, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ mô nhiễm trùng, tuỳ mức độ nghiêm trọng. Một trong những cách chữa trị cơ bản đối với người được chẩn đoán sớm là tiêm kháng độc tố, làm giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc sẽ liên kết với các chất độc vẫn đang lưu thông trong máu, giữ cho chúng không "chạy" vào hệ thần kinh. Biện pháp này không thể khắc phục hoàn toàn tổn thương ban đầu mà botulinum đã gây ra. Song, các dây thần kinh có cơ chế tự tái tạo. Nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, có những người mất vài tháng để điều trị.

Hình ảnh: Sản phẩm C. botulinum nhóm A đã được sản xuất thành thuốc (rất an toàn) chữa nhiều bệnh lý khác nhau như co cứng cơ sau đột quỵ não, co thắt nửa mặt, thẩm mỹ, ...

Tại Việt Nam, bệnh viên Bạch Mai đã đề nghị mua thuốc giải độc từ Thái Lan để điều trị hai vợ chồng ngộ độc sau khi ăn pate M.C. Thuốc có tên gọi Botulism Antitoxin Heptavalent, được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để đưa về Việt Nam nhanh nhất, kịp thời điều trị. Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ trên thế giới thường sử dụng loại kháng độc tố riêng, được gọi là globulin.

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến nghị cho tất cả các loại ngộ độc C. botulinum vì chúng có thể đẩy nhanh quá trình phát tán độc tố. Nếu cảm thấy khó thở, người bệnh có thể phải sử dụng máy thở trong vài tuần cho đến khi tác động của chất độc giảm dần. Quá trình có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Trong số các bệnh nhân ngộ độc pate M.C, 7 người phải thở máy. Một người liệt, phụ thuộc máy thở hoàn toàn.

Sau khi đã thải độc tố, một số bệnh nhân cần đến các liệu trình phục hồi chức năng để cải thiện khả năng nói, nuốt và các cơ quan các bị ảnh hưởng.

Để phòng ngừa nhiễm độc do C. botulinum, người dân cần thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi". Một số sản phẩm thanh trùng bằng nhiệt trong dây chuyền công nghiệp, thương mại (kể cả các mặt hàng được đóng gói chân không hoặc hun khói) có thể không đủ đảm bảo vệ sinh, chưa tiêu diệt toàn bộ bào tử vi khuẩn.

WHO từng đề ra Năm chìa khoá đối với An toàn Thực phẩm là: giữ sạch, nấu kỹ, để riêng đồ sống và chín, trữ thực phẩm ở nhiệt độ chuẩn, sử dụng nước và nguyên liệu an toàn. Theo WHO, các ca ngộ độc hàng loạt đối với botulinum rất hiếm, nhưng đều là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi nhận biết nhanh chóng nhằm xác định nguồn bệnh. Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc đáng kể vào việc chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.

Mặc dù ngộ độc C. botulinum có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, hầu hết người mắc đều hồi phục hoàn toàn. Chữa trị từ giai đoạn đầu giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.

VnExpress


Những điểm bạn cần lưu ý

1. Cách ngăn ngừa ngộ độc thịt gây ra bởi C. botulinum

Nguyên tắc ở đây là dùng nhiệt (làm nóng) bào tử để tiêu diệt chúng hoặc ức chế hoạt động chuyển lại thành vi khuẩn của bào tử.

   + Sử dụng các quy trình có dùng nhiệt đúng cách để đóng hộp thực phẩm tại nhà.

   + Bỏ tất cả các loại đồ hộp có dấu hiệu bị phù, tích khí hoặc hư hỏng. Các loại này cần phải bọc kỹ lại và bỏ vào thùng rác không thể tái chế bên ngoài, tránh xa tầm tay con người và vật nuôi.

   + Đun sôi thực phẩm đóng hộp tại nhà có hàm lượng acid thấp trong vòng 10 phút trước khi ăn. Tại những nơi có độ cao, cứ cao thêm 1000 mét là đun thêm 1 phút.

   + Bảo quản lạnh các loại thực phẩm thừa hoặc thức ăn đã chế biến trong vòng 2 giờ kể từ khi nấu.

 

2. Phát hiện ngừa ngộ độc thịt gây ra bởi C. botulinum

   + Sau khi sử dụng đồ ăn đóng hộp (mua ngoài hoặc tự làm tại gia đình) thấy xuất hiện dấu hiệu sụp mi, yếu cơ trong thời gian từ 4 giờ - 8 ngày cần đến khám ở cơ sở có bác sĩ chuyên khoa Thần kinh.

 

3. Chẩn đoán ngộ độc thịt gây ra bởi C. botulinum

   + Thăm khám lâm sàng: đánh giá mức độ sụp mi, yếu cơ.

   + Chẩn đoán xác định: có thể làm được ngay đó là xét nghiệm ghi điện cơ (đánh giá mức độ tổn thương thần kinh ngoại biên)

   + Chẩn đoán phân biệt: với bệnh lý khác hội chứng Guillain - Barrè, bệnh nhược cơ, đột quỵ não, ...

 

ktk@vn


Chương trình: "Một giờ với Hải Phòng"


Từ khoá

1. Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh

2. Ghi điện cơ

3. Hội chứng Guillain - Barrè

4. Bệnh nhược cơ

5. Đột quỵ não