Thứ 3 ngày 22 tháng 05 năm 2018Lượt xem: 23023
Tổn thương bàn chân của bệnh nhân Đái tháo đường.
Biểu hiện tổn thương bàn chân của bệnh nhân Đái tháo đường?
1. Tổn thương bàn chân của bệnh nhân ĐTĐ – nguyên nhân gây cắt cụt chi.
- Tổn thương bàn chân là một biến chứng mạn tính thường gặp ở người đái tháo đường (ĐTĐ). Khoảng 5 –15 % các bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị cắt cụt chi do các tổn thương bàn chân.
- Tổn thương bàn chân do ĐTĐ là hậu quả của các tổn thương da, mạch máu, thần kinh và xương. Các tổn thương trên có thể đơn độc hoặc phối hợp với nhau. 50 % các trường hợp cắt cụt cẳng chân và đùi thực hiện trên bệnh nhân ĐTĐ và đáng tiếc là có tới 50% các trường hợp cắt cụt chi lẽ ra đã có thể tránh được nếu như bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm các tổn thương mới của bàn chân.
2. Các tổn thương bàn chân của bệnh nhân ĐTĐ được hình thành như thế nào?
Có 4 yếu tố tham gia vào hình thành tổn thương bàn chân là tổn thương mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng và chấn thương bàn chân:
- Tổn thương mạch máu lớn và nhỏ của chi dưới dẫn tới hẹp, tắc các động mạch nuôi bàn chân, gây thiếu máu bàn chân, làm nặng thêm các rối loạn dinh dưỡng bàn chân, nặng hơn gây hoại tử các ngón chân.
- Tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới giảm cảm giác (cảm giác đau, nhiệt, xúc giác), làm giảm tiết mồ hôi (gây khô, nứt, dễ nhiễm trùng), làm mở các nhánh thông động – tĩnh mạch (gây thiếu máu vùng xa bàn chân, tăng tiêu xương bàn chân) và gây các biến dạng lệch trục bàn chân, làm mất vòm gan chân, gây các điểm tì đè mới dễ loét.
- Nhiễm trùng: ĐTĐ là cơ địa thuận lợi cho nhiễm trùng. Nhiễm trùng ngược lại làm mất cân bằng đường máu, làm nặng thêm các tổn thương mạch máu và thần kinh ở bệnh nhân ĐTĐ. Vả lại bệnh nhân ở ĐTĐ chức năng miễn dịch bị suy giảm khi bị nhiễm trùng rất dễ gây hoại tử lan rộng khắp bàn chân.
- Các chấn thương bàn chân: các vết loét nhỏ tái phát (do giảm cảm nhận nên bệnh nhân không biết, tiếp tục đi lại) sẽ gây nên các vết loét hoại tử lớn. Các vết nứt nhỏ ở bàn chân do dầy sừng, do nấm kẽ chân hoặc các vết thương do dẫm phải dị vật đều là đường vào thuận lợi cho vi trùng dẫn tới tổn thương bàn chân.
3. Vì sao bệnh nhân ĐTĐ dễ bị tổn thương bàn chân?
- Bệnh nhân ĐTĐ không được kiểm soát đường máu tốt dễ bị các tổn thương mạch máu. Bệnh nhân ĐTĐ thường có các rối loạn mỡ máu đi kèm, dễ tạo các mảng xơ vữa mạch gây hẹp và tắc các động mạch.
- Bệnh nhân không được kiểm soát đường máu tốt hoặc bị ĐTĐ lâu năm rất hay bị các tổn thương thần kinh ngoại biên, phối hợp với các tổn thương xương, khớp gây nên các biến dạng bàn chân làm bàn chân dễ bị loét.
- Sự suy giảm chức năng miễn dịch ở bệnh nhân ĐTĐ làm cho bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
4. Làm thế nào để phòng hoặc giảm bớt nguy cơ bị các tổn thương bàn chân nặng khiến bệnh nhân phải cắt cụt chi.
- Các tổn thương bàn chân khi được bệnh nhân phát hiện ra thường đã quá muộn, rất dễ nặng thêm nếu không được điều trị ngay và nguy cơ cắt cụt chi rất lớn. Điều quạn trọng để tránh nguy cơ cắt cụt là bệnh nhân phải đựơc giáo dục cách chăm sóc bàn chân, cũng như cách phát hiện sớm các dấu hiệu dễ có nguy cơ gây loét bàn chân.
* Cách chăm sóc bàn chân:
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Kiểm tra kỹ gan bàn chân, kẽ chân, mu chân, các ngón chân. Phát hiện sớm các vết xước, loét, tấy đỏ, thâm tím. Rửa chân bằng nước ấm và lau khô chân hàng ngày. Cắt móng chân không để dài quá hoặc ngắn quá. Loại bỏ chai chân hoặc chỗ dầy sừng bàn chân. Đi giầy mềm, vừa chân, không đi chân đất.
* Cách tự khám chân để phát hiện sớm các dấu hiệu dễ có nguy cơ gây loét:
- Tìm các dấu hiệu rối loạn dinh dưỡng bàn chân, biến dạng bàn chân như biến dạng ngón, lệch trục hoặc ngón chồng lên nhau, mất vòm gan chân (bàn chân bẹt). Các chai chân, dầy sừng bàn chân, các vết loét ở gót hoặc kẽ ngón chân.
- Tìm dấu hiệu tổn thương thần kinh: dị cảm, tê bì, mất cảm giác đau nóng lạnh, giảm tiết mồ hôi, dấu hiệu phù bàn chân.
- Tìm dấu hiệu tổn thương mạch máu: đau cách hồi, mất mạch chân, các chấm hoại tử ở đầu ngón, hoại tử một hoặc nhiều ngón chân.
- Tìm dấu hiệu nhiễm trùng: sưng, nóng, đỏ, đau tại bàn chân, có thể kèm theo sốt .
* Các bước cắt móng chân:
- Ngâm rửa chân 20 phút, rồi lau khô
- Cắt từ góc móng
- Cắt từng miếng nhỏ
- Cắt theo hình dáng đầu ngón chân
- Dùng dũa mài tù các đầu góc móng
* Chọn giầy dép phù hợp:
- Vừa chân, phần mũi giày đủ rộng ,đế thấp để tránh dồn áp lực nên phần mũi chân, có dây buộc, khóa để bàn chân không di chuyển, cọ sát bên trong giày, dép.
* Tránh làm bỏng chân:
- Không dùng chăn điện.
- Không sưởi ấm chân bằng đèn sưởi, lò sưởi.
- Kiểm tra nhiệt độ nước tắm, nước ngâm chân bằng tay hoặc nhờ người thân kiểm tra.
5. Điều trị các tổn thương bàn chân.
- Cắt lọc tổ chức hoại tử, dẫn lưu mủ, sát trùng tại chỗ.
- Dùng kháng sinh toàn thân.
- Kiểm soát tốt đường máu bằng tiêm insulin.
- Nghỉ tại giường tránh đi lại để không làm nặng thêm các vết loét.
- Phát hiện các tổn thuơng mạch máu, làm phẫu thuật tái tưới máu nếu có thể.
- Phẫu thuật chỉnh hình bàn chân, giầy chỉnh hình nếu có thể.
Tài liệu tham khảo
Phó trưởng khoa khám bệnh, BV Hữu nghị Việt Tiệp.
Tham khảo nguồn: Chương trình đào tạo quốc tế về ĐTĐ.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?