Bệnh lý Thần kinh

Thứ 5 ngày 01 tháng 02 năm 2018Lượt xem: 24781

Khám phản xạ ...

 

Làm thế nào để đánh giá Phản xạ?

1. Phản xạ gân xương

Khám phản xạ gân xương (căng cơ) đánh giá các sợi hướng tâm, các kết nối synap trong tủy sống, dây thần kinh vận động và các con đường vận động đi xuống. Tổn thương nơ-ron vận động dưới (ví dụ: bệnh sừng trước tủy, rễ thần kinh sống, hoặc thần kinh ngoại biên) làm giảm phản xạ; tổn thương nơ-ron vận động trên (tổn thương ở bất cứ đâu trên sừng trước tủy, trừ hạch nền) làm tăng phản xạ.

Các phản xạ được khám bao gồm:

  • Cơ nhị đầu (được chi phối bởi C5 và C6).
  • Cơ cánh tay quay (C6).
  • Cơ tam đầu (C7).
  • Gấp ngón trỏ đầu xa (C8).
  • Phản xạ gân gối hay gân xơ tứ đầu (L4).
  • Phản xạ gân gót (S1).
  • Phản xạ giật hàm (dây thần kinh sọ V).

Bất cứ sự tăng hoặc giảm phản xạ không đối xứng nào đều cần được ghi nhận. Nghiệm pháp Jendrassik có thể được sử dụng để làm rõ hơn phản xạ: bệnh nhân khóa hai bàn tay vào với nhau và kéo mạnh ra trong khi gõ vào gân cơ ở chi dưới. Mặt khác, bệnh nhân có thể ép hai đầu gối vào nhau, trong khi khám phản xạ gân xương ở chi trên.

 

2. Phản xạ bệnh lý

Phản xạ bệnh lý (ví dụ, Babinski, Chaddock, Oppenheim, mút, tìm núm vú, nắm) là trở lại các đáp ứng nguyên thủy và thể hiện sự mất ức chế vỏ não.

Các phản xạ Babinski, Chaddock và Oppenheim tất cả đều đánh giá đáp ứng của bàn chân. Đáp ứng phản xạ bình thường là gấp ngón chân cái. Đáp ứng bất thường là ngón chân cái duỗi từ từ kèm và các ngón chân khác xòe ra và thường kèm theo gấp gối và háng. Phản ứng này có nguồn gốc phản xạ tủy và thể hiện sự mất ức chế tủy do tổn thương nơ-ron vận động trên.

Đối với phản xạ Babinski, dùng que gỗ đè lưỡi hay phía cuối của búa phản xạ gãi vào lòng bàn chân từ gót chân lên dọc theo bờ ngoài của lòng bàn chân cho tới gốc ngón chân cái. Kích thích phải đủ mạnh nhưng không gây nguy hiểm; không nên kích thích vào phía trong của lòng bàn chân, hoặc nó có thể vô tình gây ra một phản xạ nắm nguyên thủy. Ở những bệnh nhân nhạy cảm, đáp ứng phản xạ có thể được che đậy do bàn chân rụt lại nhanh, tuy nhiên điều này không thành vấn đề khi khám phản xạ Chaddock hay Oppenheim.

Đối với phản xạ Chaddock, bờ ngoài gan bàn chân, từ mắt cá đến ngón chân út, được gãi bằng một vật đầu tù.

Đối với phản xạ Oppenheim, mặt trước xương chày, ngay từ dưới xương bánh chè đến bàn chân, được vuốt mạnh bằng một đốt ngón tay. Phản xạ Oppenheim có thể được sử dụng với phản xạ Babinski hoặc Chaddock để loại trừ phản ứng rụt chân nhanh.

phản xạ mút nếu đưa que gỗ đè lưỡi qua môi gây ra mím môi.

phản xạ tìm núm vú nếu vuốt ve bờ ngoài của môi trên gây ra chuyển động của miệng hướng về kích thích.

phản xạ nắm nếu nhẹ nhàng vuốt ve lòng bàn tay của bệnh nhân làm cho các ngón tay gấp lại và nắm lấy ngón tay của người khám.

phản xạ gan tay - cằm nếu vuốt ve lòng bàn tay gây ra co cơ cằm cùng bên bên của môi dưới.

Dấu hiệu Hoffmann nếu búng nhẹ vào móng tay ngón III hoặc IV gây ra gấp không chủ ý của đốt xa ngón cái và ngón trỏ.

Dấu hiệu Tromner tương tự như dấu hiệu Hoffman, nhưng ngón tay được búng lên phía trên.

Với dấu hiệu glabellar (phản xạ mũi mi), gõ vào giữa trán gây ra nháy mắt; thông thường, mỗi lần gõ trong 5 lần gõ đầu tiên sẽ gây ra một lần nháy mắt, sau đó là sự mệt mỏi phản xạ. Nháy mắt dai dẳng ở bệnh nhân rối loạn chức năng não lan tỏa.

 

3. Các phản xạ khác

Khám rung giật (co và giãn cơ luân phiên, nhanh và thành nhịp gây ra bởi kéo giãn gân cơ đột ngột, thụ động) được thực hiện bằng cách gấp nhanh bàn chân về phía mu chân tại khớp cổ chân. Rung giật chỉ điểm tổn thương nơ-ron vận động trên.

Phản xạ da bụng xuất hiện khi gãi vào da bụng quanh rốn bằng que gỗ chuyên dụng hoặc một dụng cụ tương tự. Đáp ứng bình thường là co các cơ bụng làm cho rốn di chuyển về phía gãi da bụng. Gãi da theo hướng về phía rốn được khuyến cáo để loại trừ khả năng rốn bị kéo về phía gãi do chuyển động được tạo ra do chính động tác gãi. Giảm phản xạ này có thể là do tổn thương trung ương, béo phì, hoặc cơ bụng lỏng lẻo (ví dụ như sau khi sinh con); vắng mặt phản xạ này có thể do tổn thương tủy sống.

Phản xạ cơ thắt có thể được đánh giá khi khám trực tràng. Để đánh giá trương lực cơ thắt (tương ứng rễ S2 đến S4), người khám đưa một ngón tay đeo găng vào trực tràng và yêu cầu bệnh nhân thắt hậu môn lại. Cách khác, vùng quanh hậu môn được chạm nhẹ bằng một miếng bông; đáp ứng bình thường là co cơ cắt ngoài hậu môn (phản xạ thắt hậu môn). Trương lực trực tràng thường trở nên yếu ở bệnh nhân bị tổn thương tủy sống cấp tính hoặc hội chứng đuôi ngựa.

Với phản xạ cơ hành xốp, dùng để đánh giá rễ S2 đến S4, khi gõ vào phần lưng của dương vật thì đáp ứng bình thường là sự co lại của cơ hành xốp.

Với phản xạ cơ bìu, đánh giá rễ L2, phần trong của đùi, khoảng 7.6 cm (3 inch) bên dưới nếp lằn bẹn được gãi hướng lên phía trên; đáp ứng bình thường là nâng tinh hoàn cùng bên.

 

ktk@vn tham khảo nguồn MSD