Tiêu hóa

Thứ 3 ngày 22 tháng 10 năm 2019Lượt xem: 15695

Cảnh báo của UNICEF dành riêng cho trẻ em Đông Nam Á liên quan tới ăn mì ăn liền.

Theo chuyên gia mì ăn liền là thực phẩm tiện dụng nhưng không đủ chất dinh dưỡng, vì vậy nếu lạm dụng thành thức ăn chính cho trẻ em sẽ dẫn tới thiếu chất, suy dinh dưỡng.

Cảnh báo từ UNICEF

Ngày 15/10, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã công bố thông tin cho thấy hàng triệu trẻ em ở Đông Nam Á suy dinh dưỡng do mì ăn liền. Trong đó, 3 nước lạm dụng mì gói đó là: Philippines, Indonesia và Malaysia.  Tại 3 nước trên, tỷ lệ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng trung bình là 40%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là khoảng hơn 33%. Quy mô của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Indonesia là 24,4 triệu, Philippines là 11 triệu trẻ và Malaysia là 2,6 triệu trẻ. Theo Hội Mì ăn liền thế giới, Indonesia là quốc gia ăn nhiều mì gói thứ hai thế giới với 12,5 tỉ gói trong năm 2018, chỉ xếp sau Trung Quốc, một con số cao hơn lượng tiêu thụ mì gói của cả Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.

UNICEF khuyến cáo những thực phẩm giàu dinh dưỡng như: trái cây, rau, trứng, sữa, cá và thịt đang dần biến mất trong bữa ăn trong bối cảnh người dân từ nông thôn đổ về thành phố để tìm kiếm việc làm.

Dù Việt Nam không nằm trong danh sách các nước lạm dụng mì ăn liền, nhưng chuyên gia khuyến cáo trong bối cảnh đời sống ngày càng bận rộn, cha mẹ không chú ý rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ lạm dụng sản phẩm ăn liền và rơi vào tình cảnh giống như các nước trên.

Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, mì tôm chỉ có chứa bột mì (bột đường), muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô… Trong mì tôm không có bóng dáng của các vi chất cần thiết cho sự phát triển của một đứa trẻ.

Mì tôm là thực phẩm tiện lợi nhưng không đủ chất dinh dưỡng, nếu ăn thay thế bữa chính, lạm dụng ăn liên tục sẽ khiến cho con người rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, nếu lạm dụng mì tôm sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra mì tôm là sản phẩm công nghiệp có rất nhiều chất phụ gia, đặc biệt trong đó mà muối. Không nên cho trẻ ăn quá mặn sớm sẽ hình thành nên thói quen ăn mặn và hệ luỵ có thể gây ra các bệnh tim mạch huyết áp sau này. Trong mì tôm cũng sẽ có một phần chất béo trans. Đây là chất béo có hại đã được khuyến cáo, nhưng chất béo này có rất nhiều trong rất nhiều thực phẩm không chỉ riêng mì tôm như: bánh quy, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán…

Mì ăn liền - ăn thế nào cho đúng?

TS. Từ Ngữ cho biết, mì tôm là sản phẩm tiện dụng bản thân ông cũng sử dụng cho bữa sáng. Tuy nhiên để cho món ăn này được đầy đủ thêm dinh dưỡng thì tuỳ điều kiện của gia đình nên có thêm rau xanh nếu có thì nên có thêm trứng hoặc thịt. Mì chỉ nên ăn trong trường hợp quá bận, trong nhà không còn gì dự trữ. "Tôi cũng sử dụng mì tôm trong bữa sáng nhưng tôi sẽ có rau xanh, nước luộc thịt, một chút mỡ động vật và một quả trứng. Một bát mì tôm như vậy sẽ đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng: đạm, chất béo, vitamin, bột đưỡng (mì tôm)", TS Từ Ngữ nói.

Cũng theo chuyên gia này mì tôm chỉ nên ăn vào bữa phụ, ăn sáng các bữa khác cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng. Mì tôm chỉ nên cho trẻ ăn 3-5 bữa/tuần, vì nguyên tắc của dinh dưỡng ăn phải thay đổi các bữa ăn. Không nên dùng gói dầu ăn của mì tôm nếu có thể hãy thay thế bằng một chút mỡ động vật hoặc dầu ăn và chỉ cho nửa phần túi muối vào trong bát mì.

ttvn.vn