Chủ nhật ngày 04 tháng 08 năm 2019Lượt xem: 19626
Nhược thị: nguyên nhân và cách điều trị.
Nhược thị là tình trạng giảm thị lực không thể cải thiện được bằng cách đeo kính hoặc dùng kính sát tròng và cũng không do bất kỳ bệnh nào về mắt gây ra.
Não vì một lý do nào đó không thể nhận biết được hoàn toàn những hình ảnh mà mắt của những bệnh nhân nhược thị truyền đến. Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt nhưng đôi khi nó có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt.
Thuật ngữ "nhược thị chức năng" dùng để chỉ tình trạng nhược thị có thể phục hồi được bằng điều trị, thuật ngữ "nhược thị thực thể" dùng để chỉ tình trạng nhược thị không thể phục hồi được. Hầu hết những trường hợp giảm thị lực do nhược thị đều có thể phòng tránh hoặc phục hồi nếu được can thiệp bằng những biện pháp thích hợp. Có khoảng 3% trẻ em dưới 6 tuổi bị nhược thị.
1. Nguyên nhân
Một đứa bé mới sinh ra có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu phát triển, đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não và ở bên trong não cũng tiếp tục phát triển. Não bắt đầu học cách phân tích những tín hiệu từ mắt chuyển đến. Quá trình này tiếp tục tiến triển cho đến khoảng 7-8 tuổi. Sau thời điểm này, đường dẫn truyền thị giác và vùng thị giác của não đã được hình thành một cách đầy đủ và không thể thay đổi được.
Nếu vì một nguyên nhân nào đó, đứa trẻ không thể dùng một hoặc cả hai mắt của nó một cách bình thường được, khi đó chức năng thị giác của não không được "học hỏi" đến nơi đến chốn và kết quả là khả năng nhìn bị giảm sút dẫn đến nhược thị. Do đó, bản chất của nhược thị là bất thường diễn ra ở não hơn là ở chính bản thân mắt. Ngay cả khi những vấn đề ở mắt đã được điều trị, tình trạng giảm sút khả năng nhìn do nhược thị thường vẫn còn tồn tại vĩnh viễn trừ phi nó được điều trị trước năm 7 tuổi.
2. Những bệnh nào có thể gây nhược thị?
Có nhiều bệnh của mắt có thể gây nhược thị, trong đó có 3 nguyên nhân chính là:
- Lác mắt
Là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng. Điều đó có nghĩa là khi một mắt nhìn thẳng ra phía trước thì mắt còn lại sẽ liếc vào trong, ra ngoài, nhìn lên hoặc xuống. Do hai mắt không nhìn cùng một hướng nên chúng tập trung tiêu điểm vào những điểm hoặc vật thể khác nhau. Do đó, não sẽ bỏ qua những tín hiệu đến từ một trong hai mắt để tránh hiện tượng nhìn đôi. Do đó, chỉ còn một mắt được sử dụng để tập trung tiêu điểm vào vật thể. Hầu hết những trường hợp lác mắt xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, vào khoảng thời gian não đang học cách nhìn.
Có một số trường hợp lác mắt nhưng thị lực của mỗi mắt vẫn còn tốt. Trong những trường hợp này 2 mắt sẽ được dùng xen kẽ qua lại với nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, đường dẫn truyền thị giác sẽ phát triển ở mỗi mắt. Ở nhiều trường hợp lác mắt, một mắt giữ chức năng chính yếu. Mắt còn lại không được dùng để nhìn do đó não bỏ qua tín hiệu do nó truyền đến. Khi đó con mắt phụ này sẽ không phát triển đường dẫn truyền thị giác bình thường được dẫn đến nhược thị.
- Bất thường khúc xạ - đặc biệt là tình trạng chiết quang mắt không đều
Bất thường khúc xạ bao gồm: nhìn gần (cận thị), nhìn xa (viễn thị) và loạn thị. Những tình trạng này do độ tập trung ánh sáng của thủy tinh thể bên trong mắt kém gây ra. Nếu bạn bị tật khúc xạ ở một mắt, thông thường thì mắt còn lại cũng bị y như vậy. Tuy nhiên, cũng có thể bạn bị loạn thị có nghĩa là có sự khúc xạ khác nhau ở mỗi mắt. Ví dụ như trẻ bị viễn thị ở một mắt nhiều hơn so với mắt còn lại. Trong trường hợp này, não sẽ có khuynh hướng bỏ qua tín hiệu đến từ mắt bị tật khúc xạ nặng hơn (đối với trường hợp này thì đó là mắt bị viễn thị nặng hơn). Khi đó nhược thị sẽ xuất hiện ở mắt đó.
Bất thường khúc xạ có thể giải quyết được bằng cách mang kính. Tuy nhiên, trừ phi được kiểm tra thị lực còn nếu không thì cha mẹ khó có thể phát hiện được trẻ có bị bất thường khúc xạ hay không. Đặc biệt nếu như trẻ bị chiết quang không đều và một mắt dùng tạm được có thể đủ thị lực để sinh hoạt một cách bình thường. Nếu như không được phát hiện, nhược thị có thể xuất hiện ở một mắt không được sử dụng.
- Những bất thường khác gây cản trở thị giác
Bất kỳ bất thường nào ở trẻ nhỏ gây càn trở thị giác có thể dẫn đến nhược thị do não không thể tạo lập được đường dẫn truyền thị giác. Chẳng hạn như bị đục thủy tinh thể ở một mắt hoặc giác mạc bị sẹo dẫn đến không nhận được ánh sáng vào phía sau mắt. Đây là lý do vì sao nên điều trị đục thủy tinh thể ở trẻ em càng sớm càng tốt.
(Hình ảnh minh họa, đã được sự chấp thuận của nhận vật)
3. Chẩn đoán nhược thị như thế nào?
Nhược thị có thể được chẩn đoán bằng cách khám mắt và đo thị lực. Có thể dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để đo thị lực tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, những trẻ bị lác nên được theo dõi cẩn thận xem tình trạng nhược thị có xuất hiện hay không.
Do nhược thị thường xảy ra chỉ ở một mắt nên nhiều bậc cha mẹ vẻ trẻ nhỏ không nhận ra được. Do có rất nhiều bậc cha mẹ không đưa trẻ đi khám mắt đầy đủ nên nhiều trẻ bị nhược thị nhưng không được phát hiện ra cho đến khi được các bác sĩ nhãn khoa khám mắt lúc đã lớn.
Phương tiện chẩn đoán quan trọng nhất là test đo độ sắc của thị giác khác với bảng đo thị lực 20/20 thường dùng ở trường học, phòng mạch nhi và phòng mạch mắt. Có thể cần phải khám với thuốc nhỏ liệt cơ thể mi để phát hiện bệnh ở những bệnh nhân trẻ.
4. Tại sao nhược thị lại quan trọng như vậy?
Nếu bạn bị nhược thị vĩnh viễn, bạn sẽ không thể nhìn được chính xác với một mắt. Mức độ suy giảm thị giác có thể rất khác nhau. Mặc dù có thể bạn nhìn được tốt chỉ với một mắt và đủ để sinh hoạt được bình thường như nếu có đủ chức năng bình thường ở cả hai mắt vẫn luôn tốt hơn. Ví dụ như ngay cả khi bị nhược thị nhẹ bạn cũng có thể sẽ không có cảm giác tốt về chiều sâu khi nhìn vào một vật (bạn không thể nhìn tốt ở không gian 3 chiều). Bạn cũng không thể thực hiện được một số việc nếu như bạn chỉ nhìn tốt ở một mắt.
Ngoài ra, nếu bạn chỉ nhìn tốt ở một mắt, bạn sẽ có nguy cơ gặp vấn đề về thị giác nặng nề nếu như sau này bạn bị tổn thương hoặc bệnh ở con mắt nhìn tốt. Do đó, nhược thị luôn nên được điều trị nếu như việc điều trị có thể giúp phục hồi được thị lực.
5. Điều trị
Việc điều trị bao gồm:
- Điều trị hoặc điều chỉnh lại những rối loạn về mắt gây nhược thị và làm cho mắt bị nhược thị hoạt động để thị giác có thể phát triển bình thường.
Điều trị những bệnh nguyên nhân
Chẳng hạn như những người bị tật khúc xạ (cận thị hoặc viễn thị) có thể điều chỉnh được bằng cách mang kính, những người bị đục thủy tinh thể có thể phẫu thuật để điều trị...
Làm cho mắt bị nhược thị hoạt động
Cách điều trị chính là ngăn không dùng bên mắt đang hoạt động tốt để khuyến khích mắt bị nhược thị hoạt động. Nếu điều này được thực hiện sớm ở trẻ em, thị giác thường sẽ được cải thiện đến mức bình thường. Cách làm thông dụng nhất là dán băng lên mắt tốt trong một khoảng thời gian. Thời gian dán băng lên mắt mỗi ngày có thể thay đổi. Nó tùy thuộc vào độ tuổi bệnh nhân, độ nặng của bệnh. Thông thường thì việc điều trị sẽ tiếp tục cho đến khi thị lực trở về bình thường hoặc cho đến khi không còn có thể cải thiện thêm nếu điều trị tiếp. Có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Trẻ sau đó sẽ được theo dõi cho đến khoảng 8 tuổi để bảo đảm mắt vẫn tiếp tục được sử dụng và không bị nhược thị trở lại. Đôi khi có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc kính đặc chế để làm mờ mắt còn tốt thay vì dùng băng dán như vậy có thể khiến cho trẻ sử dụng mắt bị nhược thị để nhìn. Ngoài ra có thể chơi những trò chơi về thị giác với trẻ đòi hỏi phải sử dụng mắt bị nhược thị nhiều.
6. Tiên lượng
Theo quy luật, trẻ được điều trị càng sớm thì thị lực phục hồi càng nhanh và thị giác càng có nhiều khả năng trở lại được bình thường. Nếu bắt đầu điều trị trước 6-7 tuổi thường có thể phục hồi được thị lực trở về bình thường. Nếu bắt đầu điều trị khi trẻ lớn hơn, thị lực có thể cải thiện được một phần nhưng khó có thể hoàn toàn bình thường được.
Điều quan trọng nhất là bạn nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ mắt về cách dán mắt (hoặc những biện pháp tương tự để buộc mắt bị nhược thị phải làm việc). Lý do thường gặp nhất dẫn đến việc điều trị bằng cách dán mắt không hiệu quả như mong đợi là vì không thực hiện theo đúng hướng dẫn. Mang miếng dán mắt trong vài tuần hoặc vài tháng có thể kích thích phục hồi thị lực ở một số trẻ. Tuy nhiên, nên khuyến khích trẻ tiếp tục điều trị để có được thị lực tốt về lâu dài.
(Video do Phòng khám Mắt EyeZone cung cấp)
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.