Góc nhìn

Thứ 3 ngày 28 tháng 11 năm 2023Lượt xem: 6161

Black Friday - Đã qua thời hoàng kim?

Thuật ngữ Black Friday đã có từ nhiều thế hệ ở Mỹ nhưng không phải lúc nào cũng gắn liền với cơn sốt mua sắm dịp lễ như ngày nay. Ví dụ, sự sụp đổ của thị trường vàng vào tháng 9/1869 được mệnh danh là "Black Friday".

Việc sử dụng cụm từ này liên quan đến việc mua sắm vào ngày sau Lễ Tạ ơn được cho là bắt nguồn từ Philadelphia (Mỹ) vào giữa thế kỷ 20 - khi cảnh sát và công nhân các thành phố chứng kiến những đám động tụ tập trước trận đấu bóng bầu dục kinh điển gọi là "Army–Navy Game". Là một trong những sự kiện thể thao quân sự quan trọng nhất nước này, Army–Navy Game diễn ra vào cuối mùa thu, thu hút chú ý lớn từ cả cộng đồng quân sự và người hâm mộ thể thao, vì sự tranh tài của hai học viện: Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point (Army) và Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis (Navy).

"Đó là lý do các tài xế xe buýt và taxi gọi là 'Thứ sáu đen' vì sự kiện khiến họ đau đầu", một giám đốc bán hàng của Gimbels nói với AP vào năm 1975, khi nhìn cảnh sát cố gắng kiểm soát những người đi bộ qua đường thiếu cẩn thận.

Các tư liệu sớm hơn có từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Jie Zhang, Giáo sư tiếp thị và Chuyên gia nghiên cứu quản lý bán lẻ Harvey Sanders tại Học viện Kinh doanh Robert H. Smith thuộc Đại học Maryland, chỉ ra rằng năm 1951 có đề cập đến "Black Friday" trong một ấn phẩm thương mại có trụ sở tại New York. Nó lưu ý rằng nhiều công nhân xin nghỉ ốm vào ngày sau Lễ Tạ ơn với hy vọng có một kỳ nghỉ cuối tuần dài.

Bắt đầu từ những năm 1980, các nhà bán lẻ ở Mỹ bắt đầu tuyên bố rằng Thứ sáu Đen đại diện cho thời điểm họ chuyển từ hoạt động trong sắc đỏ sang đen, tức khi doanh số bán hàng có lợi nhuận thay vì lỗ. Nhưng cách giải thích không được nhiều chuyên gia tin cậy vì kết quả kinh doanh mỗi công ty là khác nhau. Trong những thập kỷ gần đây, Thứ sáu Đen đã trở nên nổi tiếng với lượng người đổ về các cửa hàng chật cứng và vô số người mua sắm cắm trại vào lúc nửa đêm với hy vọng được giảm giá sâu.

Thực tế, những năm gần đây, Black Friday trên thế giới dần kém nhộn nhịp và đông đúc. Không giống những năm trước, khi người mua sắm tranh nhau đến xô xát để mua TV giá hời và các đồ gia dụng đắt tiền khác, Black Friday giờ có nhiều biến đổi, và không còn sức hút như thời hoàng kim. Vậy, sự ra đời và đi xuống của lễ hội mua sắm này ra sao?

Theo Jay Zagorsky, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston, đỉnh cao của doanh số bán lẻ truyền thống trong tháng 11 đã cách đây 20 năm. Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2003, thương mại điện tử chỉ chiếm 1,7% tổng doanh số bán lẻ trong quý IV. Doanh số bán hàng trực tuyến ngày nay còn lớn hơn nhiều. Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong mùa lễ năm ngoái, thương mại điện tử chiếm khoảng 16,3% tổng doanh số bán lẻ trong quý IV. Con số này tăng từ mức 12,7% vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, theo ông Zagorsky, bên cạnh mua sắm trực tuyến gia tăng, giá của một số mặt hàng có giá trị lớn - vốn thu hút mọi người chờ đến Black Friday để tranh giành - nay đã khá rẻ, ví dụ TV. Khoảng 20 năm trước, một chiếc TV màn hình phẳng mới thường có giá vài nghìn USD. Nghĩa là săn TV vào Thứ sáu Đen và được giảm giá 15% hoặc 20% thì có thể tiết kiệm hàng trăm USD, theo Zagorsky. Nhưng ngày nay, người tiêu dùng có mua một chiếc TV 32 inch chỉ từ 80 USD. "Giảm giá 20% cho một chiếc TV trị giá 80 USD là 16 USD. Tôi sẽ không xếp hàng lúc nửa đêm để tiết iệm 16 USD", ông nói. Đó là chưa kể những ưu đãi 20% xuất hiện không thiếu trên mạng trước, trong và sau Black Friday.

Yếu tố thứ hai làm giảm nhiệt cao điểm Thứ sáu Đen là nó không diễn ra vỏn vẹn trong 24 giờ nữa. Zhang cho biết khách hàng ngày nay có thể nhận được email về đợt giảm giá này ngay cả trước Halloween. "Theo đúng nghĩa đen, nó trở thành một tháng và đây không phải là hiện tượng mới đây, bà nói. Zhang cho hay việc kéo dài Thứ sáu Đen đã diễn ra trong chục năm gần đây.

Việc mở rộng Thứ sáu Đen này xuất phát từ sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nhà bán lẻ và nhu cầu giảm bớt áp lực lên dịch vụ hậu cần vận chuyển, vốn đặc biệt căng thẳng nếu diễn ra chỉ một hôm, Zhang nói. Sử dụng thuật ngữ Thứ sáu Đen trong các đợt giảm giá trước Lễ Tạ ơn cũng là một kỹ thuật tiếp thị để người tiêu dùng liên tưởng đến những món hời lớn.

Ngoài ra, mùa Lễ Tạ ơn không chỉ có mỗi Black Friday. Các sự kiện mua sắm khác bao gồm Small Business Saturday và Cyber Monday, chính thức xuất hiện vào năm 2005 bởi Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ. Trong đó, Cyber Monday phát triển mạnh trong kỷ nguyên mua sắm trực tuyến. Theo Adobe Analytics, người tiêu dùng Mỹ đã chi tổng cộng kỷ lục 11,3 tỷ USD vào Cyber Monday năm 2022, đánh dấu sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm. Trong giờ cao điểm, người mua sắm chi 12,8 triệu USD mỗi phút.

Dù không còn ở định cao sôi động như những thập kỷ trước, hoạt động mua sắm trực tiếp vào Thứ sáu Đen sẽ không hoàn toàn biến mất. Các lý do, theo Zagorsky bao gồm sự hấp dẫn xã hội và niềm vui mà người tiêu dùng trải nghiệm ở cửa hàng. Và thực tế, đi mua sắm vào thứ sáu cũng thuận tiện hơn các ngày khác trong tuần. "Thứ sáu Đen đang dần trở nên ít quan trọng hơn, nhưng nó sẽ không bao giờ biến mất", ông dự báo.

ktk.vn tk Fortune