Thứ 3 ngày 28 tháng 11 năm 2023Lượt xem: 9295
Cơn động kinh vắng ý thức.
Hoạt động điện sinh học của não rất phức tạp, giúp đưa các thông tin từ trung ương đến khắp cơ thể. Cơn động kinh (seizure) là sự phóng điện bất thường, đột ngột và không kiểm soát của các neuron trong não, dẫn đến những rối loạn của chức năng thần kinh trung ương về vận động, cảm giác, giác quan hoặc thần kinh thực vật.
Bệnh động kinh (epilepsy) là một bệnh lý não đặc trưng bởi tình trạng kéo dài của các cơn động kinh và gây ra những hệ quả về sinh lý thần kinh, nhận thức, tâm lý và xã hội. Bệnh động kinh được xác định qua các trường hợp sau:
- Ít nhất hai cơn động kinh tự phát xảy ra cách nhau > 24 giờ.
- Một cơn động kinh tự phát và có khả năng tái phát cơn tiếp theo tương đương nguy cơ tái phát chung (> 60%), trong vòng 10 năm tiếp theo.
- Được chẩn đoán hội chứng động kinh.
Cơn động kinh vắng ý thức: biểu hiện bằng sự ngưng đột ngột hoạt động đang làm và ý thức của người bệnh. Cơn vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em, bắt đầu và kết thúc đột ngột. Ngoài ra, còn có cơn vắng ý thức giật cơ là một loại cơn vắng ý thức với các cử động giật cơ đều đặn 3 chu kỳ/giây, gây ra những cử động nhịp nhàng của tay khiến cánh tay nâng lên từ từ. Độ dài mỗi cơn từ 10 - 60 giây. Suy giảm ý thức có thể không rõ ràng trong cơn này.
#1. Triệu chứng của cơn động kinh vắng ý thức.
Bạn có thể dễ dàng phát hiện con mình có các cơn động kinh vắng ý thức nếu có các biểu hiện sau:
- Nhìn chằm chằm vào khoảng không hoặc ánh nhìn trống rỗng, mất ý thức với mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Hoặc đột ngột dừng các hoạt động đang làm nhưng không bị té ngã. Hầu hết các cơn động kinh vắng ý thức kéo dài từ 10 - 30 giây, nhưng cũng có thể kéo dài vài phút dù rất hiếm.
- Trong cơn, trẻ có thể có một số biểu hiện khác như chớp mắt, nhép miệng, liếm môi, nhai, xoa các ngón tay với nhau,...
- Sau cơn động kinh vắng ý thức, trẻ sẽ tiếp tục làm những điều đã làm trước đó. Trẻ cũng sẽ không nhớ được những hành động đã xảy ra trong cơn.
- Nếu nhiều cơn động kinh vắng ý thức xảy ra gần nhau, trẻ có thể có những hành động bối rối với những việc xảy ra quanh mình, khả năng học tập tại trường có thể ảnh hưởng. Giáo viên sẽ có những phản hồi về việc trẻ không tập trung hoặc không nghe những gì họ giảng dạy.
Cơn động kinh vắng ý thức thường được ghi nhận ở trẻ em, tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể có các cơn động kinh vắng ý thức.
#2. Nguyên nhân dẫn đến cơn động kinh vắng ý thức.
Cơn động kinh thường xảy ra tự phát. Các tế bào neuron thần kinh thường gửi các tín hiệu điện với sự tham gia của các chất dẫn truyền thần kinh qua khe synap. Sự tăng kích thích thần kinh về mặt sinh lý tế bào của cơn động kinh có thể do một số quá trình phức tạp sau:
- Sự gia tăng hệ dẫn truyền thần kinh loại kích thích;
- Giảm hoạt động hệ dẫn truyền ức chế;
- Sự thay đổi các kênh ion liên quan đến điện thế;
- Sự thay đổi của nồng độ ion trong hay ngoài tế bào trong quá trình khử cực màng tế bào.
Một số yếu tố có thể gây kích hoạt cơn động kinh vắng ý thức như:
- Thiếu ngủ.
- Cảm xúc căng thẳng, lo âu hoặc phấn khích.
- Thở nặng nhọc, khó thở.
- Ánh nắng chói, ánh đèn nhấp nháy, âm thanh ồn ào.
- Sử dụng rượu hoặc một số loại chất kích thích khác.
- Sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ gây co giật như Isoniazid, thuốc chống loạn thần,...
#3. Nguy cơ dẫn đến cơn động kinh vắng ý thức.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cơn động kinh vắng ý thức
Một số đối tượng sau có thể có cơn động kinh vắng ý thức:
- Tuổi: Cơn động kinh vắng ý thức có thể xảy ra từ 0 đến 15 tuổi. Đỉnh điểm vào khoảng 6 đến 7 tuổi.
- Giới tính: Thường gặp ở bé gái hơn.
- Tiền căn gia đình: Người thân có bệnh động kinh cũng là một yếu tố nguy cơ.
#4. Hậu quả của cơn động kinh vắng ý thức.
Khoảng 75% trẻ em có thể không còn xuất hiện cơn động kinh vắng ý thức khi đến tuổi thanh thiếu niên. Trẻ chỉ có các cơn động kinh vắng ý thức đơn thuần, không kết hợp với các loại động kinh khác có khả năng khỏi hoàn toàn hơn.
- Hầu hết trẻ có cơn động kinh vắng ý thức không gây ra các biến chứng. Trẻ có thể đối mặt với một số khó khăn sau và cần có sự đồng hành cùng cha mẹ:
- Khả năng học tập giảm sút;
- Rối loạn hành vi;
Tách biệt với xã hội trong một số hoạt động đời sống.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp trẻ có cơn động kinh vắng ý thức kết hợp với các loại động kinh khác cần sử dụng thuốc chống động kinh, và có thể có các cơn co giật, co cứng, giật cơ,...
#5. Phương pháp chẩn đoán cơn động kinh vắng ý thức.
Để chẩn đoán xác định cơn động kinh vắng ý thức, phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh. Các bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu của trẻ cũng như thời gian và tính chất của mỗi cơn động kinh (hình ảnh ghi lại cơn có giá trị quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán đúng). Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán.
Các xét nghiệm chẩn đoán cơn động kinh vắng ý thức:
Một số xét nghiệm chuyên biệt giúp chẩn đoán cơn động kinh vắng ý thức bao gồm:
- Điện não đồ (EEG): Cần thiết để phân loại chính xác loại cơn này. Biểu hiện EEG của cơn vắng ý thức điển hình là phức hợp gai sóng toàn thể tần số 3 chu kỳ/giây. Người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu thở nhanh và sâu, nhìn vào ánh sáng đang nhấp nháy để kích hoạt cơn động kinh.
- Chụp cắt lớp vi tính não (CT scan não) hoặc chụp cộng hưởng từ não (MRI não): Với cơn động kinh vắng ý thức, hình ảnh não có thể bình thường. Tuy nhiên CT scanner và MRI não có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây cơn động kinh như u não, đột quỵ não,...
#6. Phương pháp điều trị cơn động kinh vắng ý thức hiệu quả.
Cơn động kinh hoặc bệnh động kinh được bác sĩ chuyên khoa điều trị với phác đồ gồm thuốc chống động kinh và điều trị nguyên nhân dẫn đến động kinh (nếu có). Loại thuốc chống động kinh được sử dụng sẽ dựa trên loại động kinh, tần suất cơn, tuổi và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tổng thể.
Hầu hết trẻ có cơn động kinh vắng ý thức sử dụng thuốc điều trị có thể ngưng thuốc nếu không xảy ra cơn trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, không được tự ý ngưng thuốc hoặc tăng/giảm liều thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc chống động kinh hiện nay gồm: Ethosuximide, Valproic acid, Lamotrigine, Topiramate,...
#7. Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của cơn động kinh vắng ý thức.
Chế độ sinh hoạt:
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc, chú trọng chất lượng giấc ngủ.
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, hạn chế các hoạt động mang rủi ro tiềm ẩn như chơi thể thao quá mức, bơi hoặc tắm một mình, lái xe,...
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Tránh các cảm xúc tiêu cực, xúc động, căng thẳng, lo lắng.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
- Vấn đề giao tiếp xã hội: Trẻ em và người lớn có bệnh động kinh có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, việc phổ biến kiến thức và thái độ trong cộng đồng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp là rất quan trọng.
- Sử dụng vòng tay y tế cho trẻ hoặc người lớn có cơn động kinh vắng ý thức nói riêng, cũng như bệnh động kinh nói chung.
Chế độ dinh dưỡng:
- Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo tốt như các loại hạt, quả bơ, cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá lăng,... Cân chỉnh giảm lượng carbohydrate, tiêu thụ các loại ngũ cốc nguyên cám thay cho ngũ cốc tinh chế. Tuy nhiên, chế độ ăn này chỉ nên áp dụng nếu thuốc không kiểm soát được cơn động kinh.
#8. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp con bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Mời xem thêm >>>
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?