Thứ 6 ngày 06 tháng 10 năm 2023Lượt xem: 13716
Đau cơ xơ hóa biểu hiện như nào?
Đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia) là một tình trạng đặc trưng bởi cơn đau khắp cơ thể kèm theo các rối loạn về giấc ngủ, nhận thức và tâm thần. Các triệu chứng của đau cơ xơ hóa dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác như rối loạn sức khỏe tâm thần, suy giáp hay bệnh tự miễn.
Đau cơ xơ hóa có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, cả nam và nữ, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong tuổi trung niên từ 30 – 50 tuổi. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc và cả các mối quan hệ xã hội.
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mạn tính, không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được nhờ sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
#1 Nguyên nhân đau cơ xơ hóa
Nguyên nhân gây ra đau cơ xơ hóa vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đau cơ xơ hóa xảy ra do sự kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại làm thay đổi cách hoạt động hệ thần kinh. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến cách xử lý tín hiệu đau của cơ thể, do đó khuếch đại cảm giác đau ở người đau cơ xơ hóa.
Một số yếu tố nguy cơ của đau cơ xơ hóa bao gồm:
- Lớn tuổi: tuy đau cơ xơ hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết các trường hợp bắt đầu ở tuổi trung niên và nguy cơ tăng lên theo tuổi tác.
- Di truyền: đau cơ xơ hóa có xu hướng di truyền trong gia đình, điều này có thể do một số đột biến di truyền nhất định.
- Lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp: các bệnh lý xương khớp có thể làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa.
- Sự kiện sang chấn tinh thần hoặc thể chất: các triệu chứng đau cơ xơ hóa có thể bắt đầu sau một vài tình huống như tai nạn xe hơi, phẫu thuật; tình trạng căng thẳng kéo dài hay chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
- Giới tính: phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
- Nhiễm trùng: virus cúm, virus Epstein – Barr, vi khuẩn Salmonella hay Shigella (gây nhiễm khuẩn đường ruột)… có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của đau cơ xơ hóa.
#2 Dấu hiệu nhận biết đau cơ xơ hóa
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của đau cơ xơ hóa là cơn đau khắp cơ thể, âm ỉ hoặc khó chịu dữ đội, kéo dài ít nhất 3 tháng. Các điểm đau có thể xuất hiện ở cả bên trái và bên phải, phía trên và phía dưới cơ thể như: cổ, vai, ngực, lưng, hông, cánh tay, chân.
Cơn đau có thể lan rộng khắp cơ thể, đau từ chỗ này sang chỗ khác, hoặc chỉ đau ở một số vị trí cụ thể. Cường độ cơn đau có thể thay đổi tùy vào thời gian trong ngày và hoạt động. Một số người bị đau nặng hơn vào buổi sáng kèm theo cứng cơ khớp, khó di chuyển.
Bên cạnh đau, một số triệu chứng thường gặp của đau cơ xơ hóa là:
- Mệt mỏi.
- Rối loạn giấc ngủ (cơn đau làm gián đoạn giấc ngủ, một số người có thể bị ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên).
- Khó khăn trong suy nghĩ, trí nhớ, sự chú ý và tập trung.
Một số tình trạng có thể cùng tồn tại với đau cơ xơ hóa như:
- Trầm cảm.
- Rối loạn lo âu.
- Đau đầu, bao gồm đau nửa đầu.
- Ngứa ran hoặc tê bàn tay, bàn chân.
- Rối loạn khớp thái dương hàm.
- Viêm bàng quang kẽ (hội chứng đau bàng quang).
- Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng.
- Vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, táo bón, hội chứng ruột kích thích.
#3 Chẩn đoán đau cơ xơ hóa
Chẩn đoán bệnh dựa trên:
- Hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng tỉ mỉ. Thăm khám để loại trừ các bệnh lý khác.
- Xét nghiệm để tìm các nguyên nhân khác, bao gồm: tốc độ máu lắng hoặc CRP, CK và có thể làm các hormone về tuyến giáp để phát hiện suy giáp, viêm gan virus C. Đau cơ xơ hóa thường không gây ra bất thường trong các xét nghiệm này. Các xét nghiệm khác (ví dụ: xét nghiệm huyết thanh với các bệnh lý khớp) chỉ được thực hiện khi khai thác bệnh sử và/hoặc thăm khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Lưu ý:
* Nghĩ đến đau xơ cơ ở các bệnh nhân sau:
- Đau toàn thân, đặc biệt khi không tương xứng với kết quả thăm khám lâm sàng.
- Kết quả xét nghiệm âm tính mặc dù các triệu chứng lan tỏa.
- Mệt mỏi là một triệu chứng nổi trội.
* Chẩn đoán đau cơ xơ nên được nghĩ tới ở những bệnh nhân có dấu hiệu đau lan tỏa kéo dài ít nhất 3 tháng, đặc biệt khi có nhiều triệu chứng thực thể kèm theo. Đau được xem là lan tỏa khi bệnh nhân biểu hiện đau cả 2 bên phải và trái, trên và dưới eo và ở các khớp trục (cột sống cổ, trước ngực hoặc cột sống ngực hoặc thắt lưng).
#4 Điều trị đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa không thể chữa khỏi nhưng có thể điều trị và quản lý tốt bằng thuốc và thay đổi lối sống. Việc điều trị nhằm mục đích giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thuốc sử dụng trong điều trị đau cơ xơ hóa thường là thuốc giảm đau, thuốc chống co giật và thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc này cần được kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa thần kinh để tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ngoài ra, một số biện pháp tự nhiên giúp nâng cao tinh thần và thể chất như:
- Tập thể dục thường xuyên (các bài tập nhịp điệu và tăng cường cơ bắp).
- Quản lý căng thẳng (làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, yoga, thiền, massage, hít thở).
- Xây dựng thói quen ngủ tốt để cải thiện giấc ngủ (ngủ đủ giấc, giờ giấc đi ngủ và thức dậy đều đặn mỗi ngày, tạo môi trường phòng ngủ thoải mái, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, không ăn hay uống cà phê trước khi ngủ).
- Sử dụng liệu pháp tâm lý.
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng để cung cấp năng lượng và giúp cơ thể khỏe mạnh.
>>> Mời xem thêm ...
1. Hội chứng ống cổ tay - bệnh lý do chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay.
2. Hội chứng ống cổ chân - bệnh lý do chèn ép dây thần kinh chày ở cổ chân.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?