Thứ 3 ngày 29 tháng 05 năm 2018Lượt xem: 21954
Bệnh Polyp đại trực tràng?
Bệnh Polyp đại trực tràng thực chất là những khối u lồi vào trong lòng đại trực tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt nếu xác định rõ và loại bỏ những polyp bằng thủ thuật cắt polyp qua nội soi sẽ làm giảm thiểu đáng kể nguy cơ polyp trở thành ung thư.
1. Biểu hiện của polyp đại trực tràng
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân có polyp đại trực tràng thường rất nghèo nàn, âm thầm và hay gặp ở rất nhiều bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một vài triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh Polyp đại tràng:
- Đi ngoài phân có máu: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, có giá trị gợi ý chẩn đoán polyp đại trực tràng. Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân; hoặc phân lẫn nhày máu màu nâu, đen hoặc lờ lờ máu cá. Triệu chứng càng có giá trị khi phân mềm hoặc nhão mà có máu kèm theo. Chảy máu có thể ở nhiều mức độ khác nhau nhưng thường nhẹ và vừa, tuy vậy cũng có trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng.
- Đại tiện phân lỏng: Đối với những polyp nằm ở đoạn trực tràng thấp gần hậu môn, nhất là khi polyp to hoặc polyp bị loét có thể gây ra những triệu chứng ruột bị kích thích như: đi ngoài ngày nhiều lần, có khi xuất hiện đau quặn, mót rặn nên có thể chẩn đoán nhầm với hội chứng lỵ.
- Đau bụng: Đây có thể cũng có thể coi là dấu hiệu thường gặp trong polyp đại trực tràng, có trường hợp polyp quá lớn gây ra triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc hoàn toàn, khi đó biểu hiện rất điển hình của cơn đau do tắc ruột: ngoài đau bụng còn kèm theo nôn và bí trung đại tiện.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý là có nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng nhưng vẫn có thể có polyp ở đại trực tràng. Vì vậy mọi người cần phải hết sức chú ý những trường hợp bệnh nhân trước đây đã từng mắc polyp, trong gia đình có người mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành polyp
Rất nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu về các nguyên nhân hình thành polyp đại tràng và nguyên nhân được coi là chủ yếu dẫn tới hình thành bệnh polyp đại tràng là do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, thậm chí dẫn tới ung thư; bệnh polyp mang tính gia đình hoặc di truyền như: bệnh polyp gia đình (FAP – Familial Adenomatous Polyps), hội chứng Garner, Turcot…
Thêm nữa, nguyên nhân hình thành polyp còn liên quan tới tuổi tác, tuổi càng cao tỷ lệ gặp polyp càng lớn, nam gặp nhiều hơn nữ, hút thuốc và uống rượu nhiều, béo phì, bữa ăn giàu chất béo, lối sống ít hoạt động thể lực, đã từng mắc các bệnh lý viêm đại trực tràng mạn tính.
3. Các dạng polyp đại tràng
Có hai dạng thường gặp là polyp tăng sản và polyp tuyến. Các dạng polyp khác cũng có thể gặp ở đại tràng nhưng với tỉ lệ rất thấp trong bài viết này xin không đề cập đến:
- Polyp tăng sản: Loại polyp này có kích thước nhỏ, gặp ở giai đoạn cuối đại tràng, rất ít khi trở thành ác tính. Thường rất khó để phân biệt polyp tăng sản với polyp tuyến nếu chỉ dựa trên hình ảnh thấy được qua nội soi. Điều đó cho thấy các polyp tăng sản cũng thường được cắt bỏ và gửi đi làm tế bào học như các polyp tuyến.
- Polyp tuyến: Có đến 2/3 polyp đại tràng là polyp tuyến. Phần lớn các polyp này không phát triển thành ung thư mặc dù chúng rất có nguy cơ. Chúng được phân loại theo kích thước, hình dáng bên ngoài và đặc điểm mô học của chúng qua sinh thiết.
Theo một định luật chung, polyp tuyến càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao. Do đó các polyp lớn cần phải được sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn và gửi đi làm giải phẫu bệnh học.
4. Điều trị và phòng ngừa
- Nếu bạn gặp phải bất kỳ một trong các biểu hiện như: có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện kéo dài trên 1 tuần hoặc đau bụng với những đặc điểm nêu trên bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Hiện nay, phương pháp nội soi ống mềm đại trực tràng được ứng dụng rộng rãi, là biện pháp tốt để phát hiện sớm và loại bỏ các polyp, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ ung thư hóa. Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Trong trường hợp có nhiều polyp hoặc polyp gây biến chứng có thể được chỉ định phẫu thuật.
- Để phòng ngừa polyp đại tràng hiệu quả thì không còn cách nào khác là bạn nên ăn nhiều hơn các loại rau, quả và ngũ cốc, giảm lượng chất béo trong khẩu phần; không hút thuốc và hạn chế uống rượu; tăng cường luyện tập thể lực, giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Một số liệu pháp đã được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc polyp cũng như giảm tỷ lệ polyp tiến triển thành ung thư: liệu pháp hormon, thuốc aspirin, canxi, axít folic và vitamin B6; tuy nhiên khi sử dụng bất kỳ một liệu pháp nào thì bạn nên tìm tới bác sĩ để nhận được tư vấn cụ thể.
Trưởng khoa Nội soi – Thăm dò chức năng; Phó trưởng khoa Tiêu hóa
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.