TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH - CƠ

Thứ 3 ngày 26 tháng 02 năm 2019Lượt xem: 20889

Thái độ, xử trí Co thắt nửa mặt?

 

Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm, HFS) là các cử động co giật hoặc co cứng không chủ ý và không đều của các cơ ở một bên mặt (do thần kinh số VII chi phối). Bệnh này được xếp vào nhóm rối loạn vận động không có loạn trương lực.

Nguyên nhân: thường là hệ quả của một mạch máu (động mạch (ĐM) tiểu não trước dưới, sau dưới; ĐM thân nền, ĐM tai trong) chèn ép dây thần kinh số VII.

Nhóm cơ bị ảnh hưởng: cơ vòng mi, cơ trán, cơ cau mày, cơ mũi, cơ gò má, cơ vòng môi, cơ cười, cơ bám da cổ,…

Chẩn đoán phân biệt: co thắt mi mắt, loạn trương lực miệng hàm, tic vùng mặt, …

Điều trị:  

- Phẫu thuật giải ép vi mạch.

- Tiêm BoNT, tỷ lệ thành công > 90%.


Hình ảnh bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị Co thắt nửa mặt.

 

(Chân thành cảm ơn sự đồng thuận của bệnh nhân)


Một số thông tin được bàn luận về bệnh này


Suckhoedoisong.vn | 14/10/2017 - Chứng co giật cơ nửa mặt là tình trạng các cơ co giật ở một bên mặt, thường là bên trái nhiều hơn bên phải.

Người bệnh không kiểm soát được những cơn co giật này và chúng diễn ra ngay cả khi ngủ.

Chứng bệnh này thường không gây đau đớn và không bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơ mắt có thể co giật tới mức trở nên nguy hiểm khi lái xe. Hơn nữa, do không thể kiểm soát được, các cơn co giật cơ mặt này có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp xã hội, giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt của người bệnh.

Cả hai giới đều có thể bị những cơn co giật nửa mặt, nhưng chứng bệnh này gặp nhiều hơn ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên và cao tuổi với tỷ lệ gấp đôi nam giới. Bệnh này cũng phổ biến hơn ở người châu Á. Các triệu chứng co giật cơ nửa mặt thường gặp ở người từ 40 - 60 tuổi.

Dấu hiệu đầu tiên của co giật cơ nửa mặt thường là co giật ở các cơ mí mắt. Những cơn co giật này có thể kéo mắt đóng lại và gây chảy nước mắt.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng co giật cục bộ có thể trở nên trầm trọng hơn và lan đến các cơ khác trên cùng một bên khuôn mặt. Sự co giật có thể ảnh hưởng đến các cơ của miệng và kéo lệch miệng. Thậm chí, nếu thường xuyên co giật có thể khiến tất cả các cơ một bên mặt bị kéo lệch, co dúm mãi mãi. Một số người có thể bị co giật ở cả hai bên mặt nhưng rất hiếm. Tuy ít khi gây đau đớn nhưng một trong các triệu chứng của co giật cơ nửa mặt là đau tai, thậm chí có thể nghe thấy tiếng “cách, cách” như tiếng nhấp chuột trong tai và thính lực bị ảnh hưởng. Tình trạng điếc đôi khi cũng xảy ra. Khoảng 13% số người tham gia vào một nghiên cứu báo cáo bị mất thính giác. Tuy nhiên, tình trạng mất thính giác này dường như không liên quan đến mức độ trầm trọng của các triệu chứng co giật cục bộ.

Nguyên nhân và các yếu tố liên quan

Phần lớn các trường hợp co giật cơ nửa mặt là do kích thích dây thần kinh số VII. Các nguồn kích thích thường gặp nhất là mạch máu đè ép vào dây thần kinh số VII gần thân não. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm: Có khối u hoặc tổn thương trên dây thần kinh; các dị dạng mạch máu ở thân não.

Các trường hợp di truyền của co giật cục bộ đã được xác định, mặc dù chúng không phổ biến. Trong một số trường hợp, co giật cục bộ là triệu chứng của bệnh đa xơ cứng (MS). Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng nếu bệnh nhân là người dưới 40 tuổi, cần kiểm tra bệnh đa xơ cứng như là một nguyên nhân có thể xảy ra.

Một nghiên cứu trên 215 người có cơn co giật cơ nửa mặt cho thấy rằng: 62% gây ra bởi tĩnh mạch đè ép lên dây thần kinh số VII ngoại biên; 18% có co thắt cục bộ nửa mặt nhưng đây không thực sự là ví dụ của bệnh; 11% do  liệt dây thần kinh số VII; 6% là kết quả của các tổn thương đối với dây thần kinh số VII; 2% có liên quan đến các nguyên nhân di truyền; Ít hơn 1% trường hợp là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh hoặc hệ tuần hoàn của não.

Phòng ngừa được không?

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện bất kỳ cách nào để phòng ngừa các cơn co giật cơ nửa mặt. Vì vậy, cách duy nhất để ngăn cản sự khởi phát của cơ co giật khi tình trạng phát triển là thông qua điều trị.

Sự căng thẳng, mệt mỏi và lo lắng đã được chứng minh là làm cho tình trạng co giật cơ trở nên trầm trọng hơn, vì vậy, để giảm thiểu các triệu chứng nên tránh những yếu tố kích thích này nếu có thể.

Các biện pháp điều trị

Điều trị chứng co giật cơ nửa mặt có thể bằng tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.

Thuốc để tiêm là botulinum độc tố (botox), được sử dụng để làm tê liệt các cơ mặt và ngừng co giật. Phương pháp điều trị này tỉ lệ cho hiệu quả từ 85 - 95%. Các tác dụng này sẽ mất đi sau 3 - 6 tháng và người sử dụng cần được theo dõi thường xuyên bởi phương pháp này cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn như sụp mí, đau mắt, liệt nhẹ cơ mặt... Nhưng các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.

Mặc dù phẫu thuật có xâm lấn hơn nhưng phương pháp này đem lại kết quả điều trị ngay và vĩnh viễn. Trong một thủ thuật được gọi là giải ép vi mạch, bác sĩ phẫu thuật di chuyển động mạch đang đè ép ra khỏi dây thần kinh số VII và đặt một tấm đệm lên dây thần kinh để bảo vệ nó khỏi bị tái chèn ép trong tương lai. Phẫu thuật này rất có hiệu quả, phù hợp với người trẻ tuổi và những người ở giai đoạn đầu của tình trạng này. Thủ thuật này cũng có một số rủi ro như nguy cơ suy giảm thính giác từ 1,5 - 8%, tổn thương tiểu não.

Uống thuốc ít có tác dụng với những trường hợp dây thần kinh số VII bị chèn ép. Một số trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ để giảm xung động cơ. Nhưng dùng thuốc cần dò liều để phù hợp với từng người và phải dùng lâu dài.

BS. Vũ Lê Nam


Suckhoedoisong.vn | 4/6/2018 - Co giật nửa mặt là tình trạng bệnh biểu hiện trên một nửa khuôn mặt, thường bắt đầu bằng co giật xung quanh mắt một bên, dần dần có thể co giật đến miệng.

Bệnh tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây ảnh hưởng lớn tâm lý và tinh thần của người bệnh, từ đó làm cản trở giao tiếp xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Đặc biệt, trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân sẽ mất ngủ và hạn chế tầm nhìn.

Co giật nửa mặt là gì?

Các cơ của vùng mặt được điều khiển bởi các dây thần kinh mặt (còn gọi là dây thần kinh VII hay dây thần kinh sọ thứ bảy). Có một dây thần kinh mặt mỗi bên. Nó bắt đầu từ sâu bên trong não và qua nhiều cấu trúc để đến khuôn mặt. Các dây thần kinh mặt dẫn truyền tín hiệu từ não đến các cơ vùng mặt để thực hiện co thắt hay thư giãn cơ. Nếu dây thần kinh mặt bị chèn ép ở vị trí nào đó trên đường đi, điều này có thể ảnh hưởng đến các tín hiệu điều khiển các cơ vùng mặt gây ra co cơ hoặc co giật cơ.

Nguyên nhân do đâu?

Co giật nửa mặt xảy ra ở cả nam và nữ, mặc dù phụ nữ có xu hướng bị thường xuyên hơn so với nam giới. Các triệu chứng thường bắt đầu ở tuổi trung niên. Nguyên nhân gây ra co giật nửa mặt vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng nhiều nhà chuyên môn cho rằng nguyên nhân thường gặp nhất là do mạch máu ở thân não chèn ép lên dây thần kinh. Còn có nguyên nhân hiếm gặp khác chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc đột quỵ. Đôi khi không có nguyên nhân rõ ràng và các bác sĩ có thể gọi nó là co giật nửa mặt vô căn (không rõ nguyên nhân).

Ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Khi mắc, bệnh nhân bị co giật thường bắt đầu xung quanh mắt (cơ vòng mi). Lúc đầu, những cơn co giật nửa mặt xuất hiện từng đợt. Dần dần cơn co giật nửa mặt trở nên nặng hơn và có thể trở nên liên tục. Phía bên trái của mặt thường bị nhiều hơn bên phải. Các cơn co giật nửa mặt có thể lan ra liên quan đến các cơ khác trên cùng một bên của khuôn mặt. Miệng và hàm thường bị co giật. Các góc của miệng có thể bị kéo lên bởi sự co thắt thường xuyên. Một số người cũng nghe thấy âm thanh click trên mặt bị ảnh hưởng khi co thắt đến góc của miệng. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy mất tự tin và khó chịu do những cơn co giật. Những người khác thấy sự co thắt có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đối với một số người, cơn co giật nửa mặt có thể trở nên nặng hơn khi họ đang bị mệt và căng thẳng. Triệu chứng cũng có thể cải thiện khi bệnh nhân nằm nghỉ.

Làm thế nào để chẩn đoán co giật nửa mặt?

Chẩn đoán co giật nửa mặt có thể dựa trên việc hỏi bệnh sử và quan sát tính chất cơn co giật khởi phát không tự ý của các nhóm cơ một bên mặt. Thông thường không tìm thấy thiếu sót thần kinh. Tuy nhiên, khi thăm khám kĩ các trường hợp co giật nửa mặt nặng và kéo dài, có thể thấy yếu nhẹ các nhóm cơ mặt cùng bên co giật. Điện cơ kim có thể hữu ích cho chẩn đoán co giật nửa mặt khi thấy những xung động kịch phát từ các nhóm cơ mặt liên quan. Tuy nhiên, ít sử dụng xét nghiệm này mà thường được sử dụng chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh. Bệnh nhân được chụp một phim CT có cản quang hoặc MRI để loại trừ các nguyên nhân khác. Đôi khi trên MRI có thể ghi nhận động mạch đốt sống giãn, phì đại chèn vào phức hợp VII, VIII. Vai trò của hình ảnh học trong bệnh co giật nửa mặt chỉ là xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân chèn ép mạch máu thần kinh.

Về điều trị

Tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hay phẫu thuật. Uống thuốc chỉ có thể hữu ích khi co giật nửa mặt nhẹ hoặc không thường xuyên. Có bệnh nhân khỏi hoàn toàn nhưng hiếm, số đông phải dùng thuốc lâu dài. Phẫu thuật được chỉ định với các trường hợp dùng thuốc không hiệu quả. Một số loại phẫu thuật có thể được thực hiện, trong đó có phẫu thuật giải ép vi mạch. Việc phẫu thuật này nhằm dời các mạch máu có thể gây chèn ép lên dây thần kinh mặt. Phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh nhưng đôi khi không thích hợp cho một số bệnh nhân bị co giật nửa mặt như trường hợp những bệnh nhân cao tuổi hay có bệnh lý nội khoa không cho phép gây mê toàn thân. Và hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật hết co giật, mang lại thẩm mỹ cho khuôn mặt, tự tin trong giao tiếp ngoài xã hội và quay lại công việc bình thường.

Chính vì vậy, mặc dù bệnh không gây đau, không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và tinh thần của người bệnh. Nếu bản thân hay người nhà có các dấu hiệu co giật nửa mặt thì nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại thần kinh để được khám và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Trần Hoàng Ngọc


Mời xem thêm

1. Co thắt mi mắt và yếu tố thẩm mỹ.

2. Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm).

3. Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm).


Trích dẫn bởi khamthankinh.vn